Rối loạn lo âu do chia ly (Seperatation Anxiety disoder) đặc trưng là sự lo âu quá mức khi trẻ phải chia ly với người nuôi dưỡng chính, thường là cha mẹ của trẻ. Khác với lo âu chia ly bình thường là một đặc điểm trong giai đoạn phát triển tính độc lập và cảm giác an toàn của trẻ, thường kéo dài đến năm 2 tuổi thì rối loạn lo âu do chia ly trầm trọng hơn (kéo dài lâu hơn giai đoạn thông thường của lứa tuổi), gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến tương tác xã hội, quá trình học tập và các lĩnh vực khác trong đời sống của trẻ. Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần, phiên bản thứ năm (DSM-5), tỷ lệ mắc rối loạn lo âu chia ly khoảng 4% với trẻ em (kéo dài từ 6 -12 tháng) và 1.6% với vị thành niên (kéo dài trong 12 tháng).
Ảnh minh hoạ
Chẩn đoán rối loạn lo âu do chia ly
Rối loạn được ICD10 (Bảng phân loại bệnh tật quốc tế lần thứ 10) xếp ở mục F93.0 với tiêu chuẩn chẩn đoán như sau:
Nét đặc trưng chủ yếu là một sự lo âu quá mức khu trú vào việc chia ly với những người mà trẻ gắn bó, lo âu này không đơn thuần là một thể của lo âu lan tỏa trong nhiều hoàn cảnh. Các dạng như sau:
a. Một lo lắng không thực tế là có điều không lành sẽ xảy ra với người mà nó gắn bó chủ yếu hoặc sợ họ ra đi và không trở lại nữa.
b. Một lo lắng không thực tế là có sự kiện rủi ro nào đó sẽ đến chia rẽ đứa bé với người mà nó gắn bó chủ yếu thí dụ như trong những tình huống đứa trẻ bị lạc, bị bắt cóc, vào bệnh viện , bị giết.
c. Một sự ghê sợ hay từ chối dai dẳng đi học do sợ phải chia ly (hơn là các lý lẽ khác như sợ điều gì có thể xảy ra ở nhà trường).
d. Một ghê sợ hay từ chối dai dẳng đi ngủ khi không có những người gắn bó chủ yếu nằm bên cạnh, hay ở một nơi bên cạnh.
e. Một mối sợ hãi dai dẳng và không thích hợp phải ở nhà một mình, hoặc thiếu người mà nó gắn bó chủ yếu ở trong nhà, suốt ngày.
f. Ác mộng tái diễn với nội dung chia ly.
g. Xuất hiện tái diễn các biểu hiện cơ thể (buồn nôn, đau bụng, nhức đầu, nôn,..) trong những hoàn cảnh buộc phải chia ly với người mà nó gắn bó chủ yếu, ví dụ khi trẻ con rời nhà để đi học.
h. Một sự đau buồn quá mức và tái diễn (thể hiện bằng lo âu, khóc, giận dữ, buồn rầu, vô cảm hay cách ly xã hội) trước, trong hoặc ngay sau khi chia ly với người mà nó gắn bó chủ yếu.
Tuy nhiên nhiều hoàn cảnh gây ra sự chia ly cũng có những stress khác hoặc những nguồn lo âu khác. Chẩn đoán dựa vào sự chứng minh là nhân tố chung gây lo âu cho tất cả các hoàn cảnh là sự chia ly với người gắn bó chủ yếu.
Điều trị rối loạn như thế nào
Các mục tiêu điều trị bao gồm giảm lo âu ở trẻ, phát triển cảm giác an toàn giữa trẻ và người chăm sóc và chiến lược ứng phó với lo âu chia ly trong tương lai.
Các phương pháp điều trị
- Trị liệu tâm lý: các liệu pháp trị liệu có thể được sử dụng như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp nâng đỡ, can thiệp trong trường học và hỗ trợ từ phụ huynh.
- Thuốc: Nhóm thuốc giải lo âu Benzodiazepines liều thấp có thể kết hợp với nhóm thuốc chống trầm cảm khi có các than phiền nhiều về triệu chứng cơ thể hoặc trầm cảm: Các thuốc chống trầm cảm ba vòng, SSRI được lựa chon tuy nhiên cần cân nhắc trước các tác dụng phụ và độ tuổi được cho phép ở từng loại thuốc
Dự phòng rối loạn lo âu do chia ly
+ Tạo thói quen nói lời tạm biệt
+ Luyện tập cho trẻ quen dần với cảm giác chia ly: gửi bé cho ông bà, người giữ trẻ một thời gian ngắn rồi tăng dần thời gian cha mẹ không có mặt.
+ Cho bé thời gian làm quen với người trông trẻ hay môi trường mới. Khi bé đi học có thể mang theo một ít đồ chơi quen thuộc để bé giảm cảm giác xa lạ, đề phòng.
+ Không phản ứng thoái quá như dỗ dành, cưng chiều khi bé khóc vì lo lắng trước cảm giác chia ly.
+ Chọn thời điểm thích hợp để rời đi (như lúc trẻ đang vui, sau khi ăn no hoặc trong lúc ngủ).
+ Chơi với bé khi đi làm về và giữ lời hứa với bé để bé biết rằng cha mẹ sẽ trở lại với vui đùa cùng bé.
Ảnh minh hoạ
Khi nghi ngờ trẻ có những dấu hiệu của rối loạn lo âu do chia ly, phụ huynh có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Tâm thần Bến Tre để được đánh giá và trị liệu phù hợp.