Đối với mọi đứa trẻ, chính những cảm xúc xuất hiện trong những năm tháng đầu đời sẽ góp phần hình thành tính cách, tư duy và cả những ước muốn sau này.
Trong quá trình trưởng thành, chúng ta thể hiện trước thế giới một bản sắc nhất quán. Chúng ta cảm thấy cần phải đóng một số vai trò nhất định và sống theo những kỳ vọng nhất định. Chúng ta đẽo gọt và buông bỏ những phẩm chất tự nhiên vốn có từ trước.
Với những hành động tinh vi, một người từng trải qua chấn thương tâm lý thời thơ ấu có thể sẽ có những biểu hiện sau:
1. Có những cơn hoảng loạn lặp đi lặp lại
Những ai trải qua chấn thương tâm lý từ nhỏ thường phải đấu tranh với sự lo lắng thường trực khi trưởng thành.
Vì quá lo lắng, họ sẽ dễ thấy ngộp, quá tải khi xử lý nhiều việc cùng một lúc. Một cách tinh vi, họ có thể thấy những mối đe dọa tiềm ẩn; và họ khó lòng tránh khỏi việc nảy sinh lo lắng; dù rằng họ không muốn. Đó là lý do tại sao họ có khuynh hướng dễ phản ứng hoảng loạn hơn so với người không trải qua (hoặc không còn bị) tác động của sang chấn tâm lý thời thơ ấu.
2. Thường xuyên bật chế độ phòng vệ
Bất kỳ trải nghiệm đau thương nào khi còn nhỏ có thể thay đổi hoàn toàn phần còn lại của cuộc đời bạn. Sang chấn tâm lý thời thơ ấu khiến một người cần đảm bảo rằng bản thân sẽ không bao giờ rơi vào tình huống như vậy một lần nào nữa trong cuộc đời. Điều này khiến họ luôn cẩn thận; và không muốn chấp nhận rủi ro; ngay cả khi họ biết chúng quan trọng.
Vì mong muốn được đảm bảo, và an toàn; người trưởng thành bị áp lực bởi sang chấn tâm lý thời thơ ấu thường chọn làm những việc họ cảm thấy an toàn; điều này có thể trở thành rào cản trong việc phát huy hết tiềm năng của mình. Họ có xu hướng hoàn thành tất cả các nhiệm vụ cần thiết; nhưng áp lực để thúc đẩy bản thân trở thành phiên bản tốt nhất đối với họ có lẽ là rất lớn. Họ ưu tiên cho những lựa chọn trong tầm kiểm soát, để họ cảm thấy an toàn, chắc chắn. Cho dù lựa chọn đó không hẳn là tốt nhất cho họ.
Ảnh minh hoạ
3. Bị những nỗi sợ ảnh hưởng nhiều trong cuộc sống
Cảm giác bị nỗi sợ chiếm lấy toàn bộ thân, tâm, trí khiến họ cảm thấy như đang sống trong một cuộc chiến. Nỗi sợ này bắt nguồn từ những việc gây đau khổ cho họ trong quá khứ nhưng dần bị chìm vào vô thức.
Sau này khi đối diện với sự kiện tương tự, cảm giác sợ hãi lập tức tìm đến và khiến họ chẳng hiểu vì sao bản thân lại có nỗi sợ trước điều này.
4. Thường chọn lối sống khép kín
Khi đã phải trải qua quá nhiều điều, đôi khi họ sẽ thấy dễ dàng hơn khi che giấu bản thân khỏi sự cảm thông, sự đổ lỗi, và sự thương hại, trước sự nhìn nhận của mọi người.
Đáng thương hơn, lúc này họ chọn sống khép kín, tránh sự tò mò và hỏi thăm của mọi người. Và vô tình hội chứng “rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder)” có cơ hội phát triển bên trong họ.
5. Trở nên giận dữ thụ động
Như đã đề cập ở trên, những nỗi sợ chiếm lấy họ một cách thường xuyên và dẫn tới sự giận dữ từ sâu bên trong.
Lúc này thay vì chọn cách đối diện với mớ cảm xúc bất ổn, chưa thành lời, thì họ lại chọn chôn vùi chúng bằng lớp vỏ “tôi ổn” mà họ thể hiện ra bên ngoài. Nảy sinh, nhận biết, kìm nén, chịu đựng, chôn giấu là chuỗi hành động diễn ra bên trong họ mỗi khi cảm xúc tìm đến.
6. Bị căng thẳng thường xuyên
Biết rằng những sự kiện tiêu cực đã diễn ra từ rất lâu, nhưng mấy ai biết cách chấp nhận buông bỏ. Cũng chính vì không biết, tâm trí họ âm thầm chấp nhận để những nỗi đau cũ được quay trở lại, một cách thường xuyên.
Để rồi họ nửa tỉnh nửa mê, nửa ở hiện tại nửa còn lại thuộc về quá khứ. Vị thuyền trưởng mang tên “căng thẳng” đã thả chiếc neo “muộn phiền” xuống dòng sông. Và rồi con thuyền không thể vô tư ra khơi, tận hưởng sự tự do được nữa.
7. Thường cảm thấy bản thân ở vai nạn nhân
Đây là những gì xảy ra khi một đứa trẻ trải qua chấn thương thời thơ ấu trở nên quá quen với vai trò nạn nhân. Đứa trẻ đã bị đối xử như một nạn nhân bất lực trong một thời gian dài bởi quá nhiều con người đến mức chúng thực sự bắt đầu tin vào điều đó khi trưởng thành.
Nhưng một khi sự quan tâm không còn, họ lại cô đơn, cảm giác như chỉ đang trôi nổi một mình trong cuộc đời. Họ cố gắng đương đầu bằng cách tiếp tục dấn sâu vào vai trò của nạn nhân. Họ thấy an toàn hơn khi nhận đơn lấy những yêu cầu hơn là đưa ra các đề nghị. Họ sẽ tuân theo ngay cả khi họ không đồng ý với mệnh lệnh mà họ được trao cho. Họ cảm thấy an toàn hơn theo cách này; vì trải nghiệm quá khứ đã hằn sâu lên họ.
Ở bề ngoài, những người trải qua sang chấn thời thơ ấu có thể trông rất bình thường và không mấy có vấn đề liên quan đến bạo hành, tổn thương tâm lý thời thơ ấu. Nhưng ở bên trong, những suy nghĩ tiêu cực, những cơn hoảng loạn bất thường là loại “vũ khí” mang tính sát thương cao, mà họ có thể tự tổn thương bản thân bất cứ lúc nào.