Trẻ em trải nghiệm sang chấn khác với người lớn. Khi nhận diện được những khác biệt này, ta có thể bảo vệ trẻ khỏi những tác động lâu dài lên tinh thần, đồng thời chuẩn bị cho trẻ cách đối diện lành mạnh với những khó khăn trong cuộc sống.
1. Những sự kiện có thể gây sang chấn cho trẻ
Tuy nhận thức chưa phát triển hoàn toàn, trí nhớ cũng chưa được hoàn thiện, trẻ em vẫn có thể chịu nhiều ảnh hưởng từ những sự kiện sang chấn, đặc biệt là khi chúng diễn ra thường xuyên và kéo dài. Những sự kiện có thể kể đến như:
- Bị bắt nạt trong trường học;
- Thường xuyên chịu đựng bạo lực, đánh đập từ cha mẹ;
- Hoàn cảnh gia đình khó khăn, trẻ phải làm lụng kiếm tiền khi còn nhỏ;
- Bị ruồng bỏ, hoặc không được quan tâm đúng mức từ người lớn;
- Áp lực học tập, trở nên giỏi giang và hoàn hảo;
2. Triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn ở trẻ em
Người lớn và trẻ em có rối loạn căng thẳng sau sang chấn sẽ có những triệu chứng và biểu hiện tương tự nhau. Tuy nhiên, có một vài điểm khác biệt nên được chú ý:
Trẻ từ 5-12 tuổi
- Trẻ thường không có những hồi tưởng hay ác mộng sau khi trải qua sang chấn như người lớn, nhưng ký ức của trẻ về sự kiện có thể sai lệch.
- Trẻ có thể tự trách mình rằng chúng đã không để tâm đến những dấu hiệu của sự kiện sang chấn, như cha mẹ bạo lực trẻ, hoặc trẻ bị bắt nạt trong trường học. Chúng tin rằng nếu chúng trở nên cảnh giác hơn, chúng sẽ không phải trải qua điều này nữa. - Trẻ trở nên nhạy cảm hoặc phản ứng quá mức với những kích thích nhỏ từ môi trường, như tiếng chuông điện thoại, hay tiếng còi xe.
- Khi chơi, trẻ cũng có thể giả định hoặc tái hiện lại những điều mình đã trải qua. Ví dụ như khi chơi nhập vai gia đình, trẻ có thể để cho nhân vật cha đánh người con, như là một cách để nhận diện điều tương tự mình đã trải qua. Đây là một cơ chế tự vệ mà có thể trẻ chưa nhận thức được, nhưng phương pháp này có thể trở nên độc hại và khiến sang chấn trở nên nghiêm trọng hơn.
Trẻ từ 12-18 tuổi
Độ tuổi này lớn hơn, vì thế những triệu chứng phần lớn sẽ tương tự người lớn.Ví dụ, trẻ có thể:
- Bị ám ảnh bởi những ký ức về việc đã diễn ra;
- Thường xuyên gặp ác mộng;
- Trở nên hoảng sợ tột độ và không thể thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực mà chúng gặp khi sự kiện diễn ra.
Khác với độ tuổi từ 5-12, trẻ từ 12-18 tuổi thường kìm nén và giấu những khó khăn của mình, và chịu đựng trong im lặng. Mặt khác, chúng có thể phóng chiếu những tổn thương này ra bên ngoài thành những hành vi bốc đồng và mạo hiểm, như dùng vũ khí và bạo lực để giải quyết xung đột với bạn bè hoặc trở thành kẻ bắt nạt.
Ảnh minh họa
3. Những hệ quả lâu dài của rối loạn căng thẳng sau sang chấn ở trẻ em
Tuy người lớn có thể học hoặc tìm ra những phương pháp để vượt qua căng thẳng; bộ não và nhận thức của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Chính vì thế, trẻ em thường chịu nhiều tổn thương hơn, và bị ảnh hưởng lâu dài hơn khi phải trải qua sang chấn, thậm chí ngay sau khi chúng đã trưởng thành, ví dụ như:
- Khó khăn trong việc tạo dựng lòng tin với người khác;
- Khó khăn trong việc bắt đầu và gìn giữ các mối quan hệ;
- Khó quản lý cảm xúc;
- Có lối mòn suy nghĩ và thói quen không lành mạnh, dẫn đến những rối loạn tâm lý khác như trầm cảm và rối loạn lo âu.
Trẻ em thường là đối tượng dễ bị tổn thương nhất về mọi mặt. Trải qua những sự kiện gây căng thẳng có thể để lại những hậu quả lớn cho trẻ cho đến khi trưởng thành. Mặt khác, trẻ thường không biết cách để mở lòng, thậm chí không thể nhận ra những tổn thương này. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, sự quan tâm đúng mức từ người lớn thật sự quan trọng.