Trầm cảm sau sinh là gì ?
Theo số liệu thống kê của các tổ chức y tế, trầm cảm sau sinh (Postpartum depression ) là bệnh lý thường gặp đối với nhóm phụ nữ sau sinh, chiếm tỉ lệ 10% đến 20%. Con số này cho thấy trầm cảm đối với phụ nữ sau sinh là không hề nhỏ và cần phải được quan tâm nhiều hơn. Trầm cảm sau sinh được hiểu là tình trạng rối loạn cảm xúc ở phụ nữ sau quá trình sinh con. Người mẹ thường có những cảm xúc tiêu cực như: mệt mỏi, buồn bã, chán nản, lo lắng,đau khổ,đầu óc trống rỗng, hay tức giận…. Những cảm giác này có thể từ nhẹ đến nặng. Mức độ nặng nhất là không thể kiểm soát được những suy nghĩ, hành vi của mình, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tinh thần của người mẹ và có thể gây hại cho con của họ.
Ảnh minh họa: Trầm cảm sau sinh
Nguyên nhân gây nên trầm cảm sau sinh:
Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, chưa có những nghiên cứu chỉ ra chính xác nguyên nhân dẫn đến trầm cảm - rối loạn cảm xúc sau khi sinh...Tuy nhiên đối với phụ nữ sau khi sinh, sự sụt giảm và bất ổn của hormone được xem là yếu tố chủ yếu.
Một số yếu tố được xác định có thể gây ra bệnh trầm cảm sau khi sinh:
Sự thay đổi đột ngột Hormone:
Khi cơ thể người phụ nữ mang thai thì hormone trong cơ thể cũng thay đổi theo, đặc biệt những giờ đầu sau sinh, nồng độ estrogen và progesterone giảm mạnh đột ngột, sự thay đổi này có thể kéo theo sự chuyển biến tiêu cực của cảm xúc, kéo theo dấu hiệu trầm cảm. Ngoài ra, sự sụt giảm của hormone tuyến giáp trong giai đoạn này cũng góp phần gây ra các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Ảnh: Sự thay đổi hormone Estrogen sau sinh
Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ và trầm cảm là hai bệnh có mối tương quan qua lại. Tình trạng mất ngủ vừa là triệu chứng của trầm cảm và là yếu tố thúc đẩy bệnh tiến triển. Mất ngủ là vấn đề thường gặp nhất ở phụ nữ sau sinh do tác động của sự thay đổi hormone, rối loạn đồng hồ sinh học do phải chăm sóc con cái, lo lắng, suy nghĩ quá nhiều,… Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, chất lượng giấc ngủ không tốt làm gia tăng nguy cơ khới phát các rối loạn tâm thần khác.
Yếu tố di truyền
Cũng như các rối loạn tâm thần khác, trầm cảm sau sinh được nhiều nghiên cứu chứng minh có liên quan đến gen di truyền vì vậy nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh có thể cao hơn ở những trường hợp có người thân trong gia đình mắc chứng bệnh này hoặc những người có tiền sử bệnh trầm cảm, đặc biệt là trong lần mang thai trước có khả năng mắc trầm cảm sau khi sinh cao hơn các nhóm phụ nữ khác.
Vấn đề tâm lý
Vấn đề tâm lý được xem là nguyên nhân phổ biến gây trầm cảm sau sinh bên cạnh rối loạn hormone. Tâm lý bị kích động có thể bắt nguồn từ:
- Sự mâu thuẫn, bất đồng trong quan hệ vợ chồng và các mối quan hệ gia đình, xã hội khác.
- Việc sinh nở gặp khó khăn, bé sinh ra mắc các dị tật bẩm sinh hoặc mất sau khi sinh.
- Lo lắng quá mức về vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng con cái (thường gặp ở người mang thai khi tuổi còn nhỏ, lần đầu tiên làm mẹ, tài chính khó khăn, không nhận được sự trợ giúp từ người thân…).
- Thiếu sự quan tâm, động viên và chia sẻ từ chồng và gia đình. Một số nam giới cũng có thể bị trầm cảm sau sinh do vấn đề tài chính, rối loạn giấc ngủ, người vợ quá chú tâm đến con trẻ mà không quan tâm đến mình.
- Lo lắng về vấn đề tài chính, sợ con cái ảnh hưởng đến công việc.
Các biểu hiện thường gặp:
Baby blues
Là hội chứng người mẹ có những biểu hiện lo lắng, khóc, mất ngủ, mệt mỏi, ủ rũ và buồn bã kéo dài trong vòng 2 tuần. Nếu kéo dài hơn 2 tuần thì sẽ chuyển sang hội chứng trầm cảm.
Hội chứng trầm cảm sau sinh
Hội chứng này thường gặp ở 10% bà mẹ sau sinh với các biểu hiện của hội chứng trầm cảm như buồn bã, mất quan tâm thích thú, giảm hoạt động do mệt mỏi, hay thiếu tự tin, chán ghét bản thân, thiếu tập trung, rối loạn giấc ngủ gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định hoặc có hành vi gây hại cho bản thân.
Trầm cảm ở người bố
Đây là một hội chứng thường ít được nhiều người quan tâm. Người bố có khả năng gặp các vấn đề về tâm lý vì phải đối mặt với nhiều sự thay đổi khi có con, chăm sóc con, vấn đề tài chính, rối loạn giấc ngủ,… Đặc biệt, nếu người vợ bị trầm cảm thì sẽ gia tăng khả năng người chồng cũng mắc bệnh.
Ảnh minh họa: dấu hiệu của trầm cảm sau sinh
Tác động của trầm cảm sau sinh như thế nào ?
Trầm cảm sau sinh có nhiều tác động xấu tới sức khỏe của mẹ và bé, kéo theo đó là những ảnh hưởng tiêu cực đối với các thành viên còn lại trong gia đình.
Đối với phụ nữ
Nếu tình trạng trầm cảm kéo dài sẽ có thể phát triển thành các rối loạn tâm thần mạn tính nếu không được chữa trị kịp thời. Đồng thời, nếu cơ thể người mẹ không ổn định sẽ không thể đảm bảo được sức khỏe đầy đủ, gây mất sữa, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hóa, tim mạch, không thể chăm sóc tốt con cái. Hơn thế nữa có thể dẫn đến những tình huống đáng tiếc xảy ra như hành hạ, bỏ mặc, có suy nghĩ hoặc hành vi giết con hực hiện hành vi tự sát và giết hại những người thân trong gia đình.
Đối với những đứa trẻ có mẹ mắc bệnh trầm cảm
Trẻ có mẹ mắc bệnh trầm cảm sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng đến sự phát triển hành vi và cảm xúc:
- Trẻ có những hành vi dễ kích động, không phù hợp với hoàn cảnh.
- Trẻ khó thích nghi với môi trường, căng thẳng và khó hòa nhập với cộng đồng, tăng nguy cơ tự kỷ, rối loạn nhân cách.
- Trẻ gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần sau này.
Đối với gia đình có người thân bị trầm cảm sau sinh
Với các thành viên trong gia đình của người mẹ bị trầm cảm, sẽ có những tác động tiêu cực tới cảm xúc của các thành viên, đặc biệt là người bố. Hơn thế nữa, hành vi của người mẹ cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của các thành viên trong nhà. Vì vậy, nếu không được điều trị sớm, sẽ có tác động xấu đến cả gia đình.
Các phương pháp điều trị trầm cảm sau khi sinh
Tương tự như trầm cảm, trầm cảm sau sinh được chẩn đoán chủ yếu qua biểu hiện lâm sàng. Dựa vào triệu chứng lâm sàng, bác sĩ cũng có thể dễ dàng đánh giá được mức độ của rối loạn trầm cảm ở từng bệnh nhân.
Điều trị trầm cảm sau sau sinh chủ yếu là sử dụng thuốc, trị liệu tâm lý và sự hỗ trợ, quan tâm của những người xung quanh. Nếu thăm khám và điều trị kịp thời và tích cực, tình trạng sẽ được cải thiện đáng kể, nhanh chóng hồi phục.
Các phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh được áp dụng phổ biến hiện nay:
1. Hỗ trợ từ người thân
Sự hỗ trợ từ người thân có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị trầm cảm sau sinh. Bởi đây chỉ là giai đoạn tạm thời và người mẹ có thể hồi phục nhanh nếu được nhận được sự quan tâm từ những người xung quanh.
Những biện pháp người thân cần thực hiện để hỗ trợ người mẹ vượt qua chứng trầm cảm sau sinh:
- Khuyến khích và chủ động đưa người bệnh đến thăm khám và điều trị kịp thời. Động viện người bệnh tuân thủ điều trị và theo dõi diễn tiến bệnh của người bệnh.
- Thường xuyên động viên, chia sẻ với người bệnh, giúp người bệnh cảm thấy được an ủi, quan tâm chăm sóc, không cảm thấy mình bị bỏ rơi.
- Hỗ trợ người mẹ trong việc chăm sóc con cái. Đồng thời khuyến khích phụ nữ sau sinh nghỉ ngơi và dành thời gian chăm sóc bản thân.
- Để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra, cần đảm bảo luôn có người thân bên cạnh mẹ và bé trong suốt thời gian điều trị.
2. Hóa dược liệu pháp
Thuốc được các bác sĩ kê đơn thường là thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần. Tuy nhiên khác với người bình thường, phụ nữ mang thai có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc (chủ yếu là do thuốc bài tiết qua sữa mẹ). Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng giữa rủi ro và lợi ích trước khi dùng thuốc. Ở một số trường hợp, bệnh nhân cần ngưng cho trẻ bú trong thời gian điều trị.
3. Trị liệu tâm lý
Là phương pháp được nhiều chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa khuyến khích sử dụng trong tất cả các trường hợp điều trị trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm sau sinh. Trong thời gian đầu trị liệu, đa phần các bệnh nhân đều gặp khó khăn trong việc chia sẻ vấn đề của bản thân với những người xung quanh Vì vậy vai trò của chuyên gia tâm lý rất quan trọng trong giai đoạn này. Người bệnh được chuyên gia tâm lý hướng dẫn nhìn nhận vấn đề khách quan và mở lòng hơn, cải thiện với suy nghĩ tích cực để quyết tâm tìm lại sự vui vẻ, hạnh phúc trong cuộc sống.
Ưu điểm của phương pháp này là hoàn toàn không có tác dụng phụ, đồng thời tác động tích cực đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động của người bệnh .
Phòng ngừa trầm cảm sau sinh như thế nào ?
Trầm cảm có thể được phòng ngừa từ sớm, ngay từ khi mang thai. Mẹ bầu có thể thực hiện những việc như sau:
Tham gia khóa học tiền sản: Hiểu biết quá trình mang thai và phục hồi sau khi sinh bằng cách tham gia các khóa học tiền sản sẽ giúp người mẹ có những biện pháp phòng tránh và chuẩn bị hiệu quả, tránh những chuyển biến tâm lý tiêu cực.
Thực hành thai giáo và thư giãn trước sinh: Thai giáo cũng là một cách để mẹ bầu giải tỏa stress, căng thẳng và có suy nghĩ tích cực trong quá trình mang thai. Chuẩn bị những hành trang tốt nhất khi sinh bé.
Trầm cảm sau sinh là chứng bệnh tâm lý phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ và bé. Vì vậy, phát hiện bệnh và can thiệp điều trị sớm là vấn đề hết sức cần thiết. Người nhà người bệnh trầm cảm sau sinh có thể đưa bệnh nhân đến bệnh viện Tâm thần Bến Tre để được tư vấn, thăm khám và điều trị.