Tổn thương tâm lý hậu covid-19

Thứ năm - 23/06/2022 14:02
Nhiều F0 khỏi bệnh mắc các di chứng hậu Covid-19 đó gọi là hội chứng hậu Covid -19 ( PCC) trong đó tổn thương tâm lý là một tác động năng nề đến với đời sống của nhiều người. Đây là tình trạng người bệnh tiếp tục bị ám ảnh, khủng hoảng tâm lý hậu nhiễm, khiến họ luôn cảm thấy bất an, căng thẳng,lo lắng dẫn đến khó ngủ; nặng hơn thì rơi vào tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm thần.
Có ba nguyên nhân chính khiến Covid-19 để lại di chứng tâm lý sau khỏi bệnh. 
Thứ nhất, do cơ chế miễn dịch chống lại nCoV. Khi bị nhiễm virus, hệ thống miễn dịch sẽ sản xuất hàng loạt các hóa chất như: cytokine, chemokine,… thúc đẩy quá trình viêm để chống lại virus. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, hệ miễn dịch không kiểm soát đúng cách, tạo nên sự đáp ứng quá mạnh mẽ của các hóa chất nói trên gây hại cho cơ thể, trong đó có tế bào thần kinh. Từ đó dẫn đến tình trạng viêm dây thần kinh, tổn thương hàng rào máu não, tế bào miễn dịch ngoại vi tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương, giảm khả năng và rối loạn dẫn truyền thần kinh giữa các vùng trong não bộ... Từ đó dẫn đến việc tiết các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin,..dẫn đến rối loạn giấc ngủ, rối loạn quá trình tư duy,đau đầu, không tập trung, hạn chế sáng tạo, giảm khả năng học tập, làm việc,suy giảm trí nhớ...
tttl1
Ảnh minh họa: Covid-19 tác động đến hệ thần kinh
Thứ hai là tâm lý luôn trong trạng thái căng thẳng của người bệnh khi mắc Covid-19: như cảm thấy lo sợ khi phải đi cách ly một mình, sợ cái chết, lo lắng về gia đình không ai chăm sóc, cảm giác tội lỗi khi vô tình lây bệnh cho người khác, lo người khác đánh giá về mình, sợ xã hội kỳ thị xa lánh, sợ mất việc làm, không có thu nhập... Chính những điều trên khiến họ luôn bị ám ảnh về bệnh Covid -19, luôn cảm thấy lo lắng về việc tái nhiễm khi đó các vấn đề trên tiếp tục tái diễn làm họ luôn trong tình trạng căng thẳng, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống
Đặc biệt, ở nhóm người vốn có vấn đề về tâm lý tiềm ẩn như rối loạn lo âu, hoang tưởng... càng dễ bị căng thẳng hơn.
Thứ ba, khi mắc phải tình trạng căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone chống lại tình trạng stress. Lúc này tim sẽ đập nhanh hơn, huyết áp tăng, thở nhanh hơn. Nếu chúng ta không giải quyết được tình trạng stress trong khoảng 24h mà để tình trạng căng thẳng kéo dài hơn, các hormone chống stress sẽ có những tác dụng ngược gây hại cho cơ thể. Các cortisol sẽ tăng lên, tạo ra các gốc tự do, rối loạn chuyển hóa... Căng thẳng kéo dài làm cho người bệnh bất ổn tâm lý, luôn sống trong sự căng thẳng tâm lý làm cho họ dễ cáu gắt, buồn vu vơ, lo lắng hay có những hành động lạ (khóc, hét to) hoặc lạm dụng rượu bia, các thuốc gây nghiện.
Những dấu hiệu nhận biết rối loạn lo âu là người bệnh luôn có cảm giác lo sợ, khó chịu mơ hồ không rõ nguyên nhân, căng thẳng kém tập trung kèm theo các triệu chứng thần kinh tự chủ như đau đầu, vã mồ hôi, hồi hộp, tức ngực, khô miệng, đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ, bứt rứt đứng ngồi không yên. Còn nếu bị trầm cảm, người bệnh đôi khi không có những biểu hiện rõ ràng về mặt thể chất nhưng có thể có dấu hiệu:khí sắc trầm, ít nói, ít chia sẽ với mọi người xung quanh, mất tập trung,giảm sự hứng thú,cảm thấy mọi thứ bế tắc, thay đổi giấc ngủ (ngủ quá nhiều hoặc quá ít), thay đổi cảm giác ăn uống (không thèm ăn hay hứng thú khi ăn uống kể cả món từng yêu thích), khó chịu, ủ rũ đôi khi kích động, gây hấn.
tttl2
Ảnh minh họa: Người bị Covid-19 thường mắc rối loạn lo âu, trầm cảm hậu Covid-19

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, Covid khiến 63% người 18-24 tuổi lo âu hoặc trầm cảm, 25% số đó dùng chất kích thích nhiều hơn và khoảng 25% nghĩ đến việc tự tử.

Một khảo sát tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM vào năm 2021, ghi nhận 53,3% bệnh nhân Covid điều trị tại đây bị rối loạn lo âu; 20% trầm cảm và 16,7% stress. Đặc biệt, những ca từng thở HFNC (oxy lưu lượng cao), bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy, tỷ lệ trầm cảm và tỷ lệ rối loạn lo âu lên tới 66,7%. Ngoài ra, 67% bệnh nhân Covid-19 mong muốn được tư vấn, điều trị tâm lý trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện.

tttl3
Ảnh minh họa: Nằm viện lâu ngày là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tâm lý hậu Covid-19

Điều trị
Theo khuyến cáo để làm giảm thiểu tác động đến tâm lý trong thời kì mắc Covid và phòng ngừa khủng hoảng hậu Covid, khi người bệnh mắc Covid-19, điều đầu tiên chúng ta cần làm là an ủi, động viên và chia sẽ với người bệnh. Trong trường hợp người bệnh phải cách ly phòng riêng hoặc ở khu cách ly tập trung, người thân nên thường xuyên nhắn tin, gọi điện để hỏi thăm,động viên, an ủi, chia sẽ công việc nhà với bệnh nhân, giúp bệnh nhân không cảm giác một mình trong cuộc chiến với Covid và tránh cảm giác bị xa lánh, kì thị.
Nếu người bệnh mắc rối loạn lo âu liên quan đến COVID-19 thì liệu pháp nhận thức – hành vi dưới sự hướng dẫn của chuyên viên tâm lý cho phép bệnh nhân tự mình phát triển các chiến lược để thiết lập lại các mối quan hệ và tăng khả năng chịu đựng của bệnh nhân.
Thực hiện liệu pháp này 2 lần một tuần và kết hợp với các bài tập thở sâu sẽ giúp cải thiện các triệu chứng lo âu cũng như các triệu chứng hô hấp sau khi khỏi Covid-19.
Trong trường hợp người bệnh có biểu hiệu trầm cảm do Covid-19, bên cạnh sự động viên chia sẽ từ gia đình thì cũng cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế, đặc biệt là chuyên viên tâm lý thông qua các liệu pháp tâm lý, các buổi tham vấn tâm lý giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trong một số trường hợp rối loạn lo âu diễn ra nặng nề, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người bệnh thì bác sĩ có thể đề nghị dùng các thuốc chống lo âu trong một thời gian ngắn như thuốc bình thần; thuốc chống trầm cảm; thuốc an thần kinh mới.
Các thuốc điều trị cho người bị trầm cảm sau khi hết Covid-19, có thể sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm phổ biến. Trong đó nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) là lựa chọn hàng đầu cho nhóm dân số chung, gồm các thuốc như sertraline, paroxetine, fluoxetine... Thông thường, khoảng 66% bệnh nhân trầm cảm cảm thấy cải thiện với SSRI. Khi sử dụng SSRI với những người bị trầm cảm sau Covid-19, tỉ lệ này lên tới 91% sau 4 tuần điều trị.
Các bệnh nhân F0 đã khỏi bệnh có các triệu chứng của khủng hoảng tâm lý, rối loạn lo âu, trầm cảm hậu Covid-19 hoặc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có thể đến với bệnh viện Tâm thần Bến Tre để được tư vấn, hỗ trợ tâm lý, thăm khám và điều trị.

Tác giả bài viết: BS. Phan Đăng Khoa

Nguồn tin: Nguồn tin :https://vnexpress.net/

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich lam viec moi
Thăm dò ý kiến

Bệnh viện tâm thần Bến Tre phục vụ bệnh nhân như thế nào?

Thống kê
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay539
  • Tháng hiện tại25,732
  • Tổng lượt truy cập1,777,335
Bệnh viện tâm thần Bến Tre
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây