Những đứa trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, không biết cách bày tỏ bản thân, được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỉ, đã từng bị kì thị, từ chối nay được yêu thương nhiều hơn khi xã hội nhận ra “tự kỉ là khác biệt chứ không phải yếu kém”. Đây là thông điệp mà các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Bến Tre gửi gắm nhân ngày Thế giới và Việt Nam nhận thức về Tự kỉ (2-4).
Kì thị gây sợ hãi
Đứa trẻ 8 tuổi, gào thét, tự cấu vào người mình và phát ra những âm thanh vô nghĩa, mặc kệ những sự vật xung quanh, kể cả những vật sắc nhọn làm trầy xước da thịt, đứa trẻ cố với đòi bằng được cái kéo. Người mẹ vẫn kiên trì giữ lấy con, cố gắng làm dịu lại cơn kích động trong vô vọng.
Một đứa trẻ khác, 6 tuổi, phát ra những âm thanh rên rĩ, trong vô số đồ chơi tìm mỗi bộ xếp khối gỗ rồi cứ lặp đi lặp lại việc đặt khối này lên khối khác, giờ này qua giờ khác, nếu có sự trở ngại nào trong quá trình chơi đó, đứa trẻ rơi vào khủng hoảng và bắt đầu ném đồ và gào khóc.
Giáo sư Stephen Mark Shore một chuyên gia về giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỉ đã nói “nếu bạn gặp một cá nhân tự kỉ là bạn gặp một cá nhân tự kỉ”. Điều này cho thấy, biểu hiện tự kỉ rất khác nhau ở những đứa trẻ khác nhau. Chính sự đa dạng đó, dẫn đến sợ hãi cho mọi người khi không thể định danh và hiểu biết về tự kỉ, nhiều người cho rằng tự kỉ là “điên” là bị “ám” dẫn đến những hành vi như “nhốt”, “trói”, “cúng”, “trục vong” khiến đứa trẻ bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng, làm mất cơ hội điều trị và hòa nhập cho trẻ. Nặng nề hơn nhiều trẻ bị xa lánh, bị từ chối những quyền trẻ em cơ bản, càng làm xã hội đối diện với tự kỉ một cách cực đoan và sợ hãi.
Vậy tự kỉ là gì và cơ hội nào để trẻ tự kỉ được can thiệp, điều trị? Với sự tiến bộ ngày nay, phối hợp giữa giáo dục và y tế đều nhận định, Rối loạn phổ tự kỉ không phải là bệnh, trẻ tự kỉ gặp trở ngại trong bày tỏ bản thân cũng như có những khó khăn trong việc tương tác với người khác, nhưng trẻ vẫn là một đứa trẻ đáng yêu cần được thấu hiểu, những rối loạn về hành vi, cảm xúc sẽ được điều chỉnh trong suốt quá trình can thiệp cho trẻ.
Tại Khoa Tâm thần Nhi, Bệnh viện Tâm thần tỉmh Bến Tre, các trẻ được sàng lọc, đánh giá, lên kế hoạch và can thiệp trực tiếp miễn phí, đồng thời, trong mùa dịch trẻ được can thiệp tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế vì hiệu quả can thiệp phải dựa trên cả giai đoạn dài liên tục.
Tôn trọng sự khác biệt để yêu thương
Điều trị rối loạn phổ tự kỉ ở trẻ em gặp nhiều khó khăn không chỉ đến từ rối loạn này tác động đến mọi chức năng xã hội của trẻ mà phần lớn còn vì sự kì thị, xa lánh, bài xích của những người xung quanh làm mất cơ hội được sàng lọc và can thiệp sớm cho trẻ. Để trẻ em có rối loạn phổ tự kỉ được can thiệp sớm, cần xây dựng môi trường an toàn cho trẻ, điều đó chỉ có thể thực hiện nếu có sự vào cuộc chính quy cùng lúc của y tế, giáo dục và xã hội.
Ngày 2 tháng 4 hàng năm là ngày Thế giới thay đổi nhận thức về Trẻ mắc Rối loạn phổ tự kỉ. Hàng năm ngày này là dịp để giao lưu, lan tỏa những câu chuyện về trẻ, ở đó mỗi trẻ là một màu của cầu vồng, riêng lẻ và rất xinh đẹp. Bé T.T.V 8 tuổi năm đó, qua 2 năm can thiệp, nay mỗi khi muốn ăn món gì thì đưa cho mẹ bức tranh có hình món ăn đó, đã biết tự chọn những bộ quần áo xinh xắn khi ra đường và phụ mẹ phơi đồ mỗi khi mẹ giặt xong. Những gì đứa trẻ ấy làm được có thể rất bình thường nhưng quá trình để có điều đó là một đoạn đường rất dài, đầy đau đớn, khó khăn và không thể thiếu sự yêu thương, kiên nhẫn.
Gắn bó với khoa từ những ngày mới thành lập, chăm chỉ qua những buổi can thiệp trực tiếp, kiên trì can thiệp tại nhà dưới sự giám sát trực tuyến của các chuyên viên, đến nay việc bé T.T.V tự chăm sóc vệ sinh cá nhân, bước đầu hòa nhập và giúp đỡ gia đình là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực yêu thương của gia đình và nhân viên y tế. Còn nhiều nữa những thành quả của sự yêu thương, đứa trẻ gào khóc đòi cho bằng được những khối gỗ nay đã biết phụ ba mẹ rửa xe, biết cám ơn và xin lỗi, biết ôm hôn mẹ mỗi khi thấy mẹ mệt mỏi.
BSCK2 Trần Ngọc Nhân – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Bến Tre, rất tâm huyết với lĩnh vực Tâm thần Nhi, ông chia sẻ “Thành lập được khoa Tâm thần Nhi là sự quan tâm của tỉnh nhà, của lãnh đạo ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần nhân dân, việc vận hành các liệu pháp can thiệp không dùng thuốc, phối hợp đa mô thức trong trị liệu cá nhân là sự tiến bộ nhân đạo, mở ra nhiều cơ hội cho trẻ tự kỉ được tiếp cận y tế chính quy. Trong diễn biến của Đại dịch Covid-19, Bệnh viện sẽ hỗ trợ khoa Tâm thần Nhi vừa điều trị chuyên môn cho các bé vừa chống dịch hiệu quả, muốn làm được điều đó cần ứng dụng thêm công nghệ thông tin để duy trì các biện pháp điều trị trực tiếp và trực tuyến”
Ngày 2 tháng 4 năm nay chúng tôi mượn lời Giáo sư Temple Grandin rằng Tự kỉ là “khác biệt chứ không phải yếu kém” để hướng đến gia đình, lớp học của những bé mắc rối loạn phổ tự kỉ, hãy tôn trọng sự khác biệt đó để yêu thương nhiều hơn và điều kì diệu sẽ đến./.