Rối loạn hoang tưởng là gì?

Thứ ba - 08/08/2023 20:59
I. Đại cương
- Hoang tưởng là những ý tưởng, phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế, do bệnh tâm thần sinh ra, nhưng bệnh nhân cho là hoàn toàn chính xác, không thể giải thích đả thông được. Hoang tưởng chỉ mất đi khi bệnh khỏi hay thuyên giảm.
- Rối loạn hoang tưởng (Delusion disorders) là một chẩn đoán được đưa ra để chỉ tình trạng bệnh nhân có các hoang tưởng kéo dài với các nội dung phản ánh các chủ đề thường nhật như bị theo dõi, được yêu, bị hại, ghen tuông, bị đầu độc, mắc bệnh. Những bệnh nhân mắc rối loạn hoang tưởng thường ít bị ảnh hưởng đến các hoạt động, tâm lý xã hội, nghề nghiệp ngoài chủ đề của hoang tưởng.Tuy nhiên nếu bệnh nhân quan tâm quá mức đến hoang tưởng thì các chức năng nghề nghiệp, xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng.
- Theo DSM 5 (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần phiên bản thứ 5) do Hiệp hôi Tâm thần Hoa kỳ ước tính có khoảng 0,2% tỷ lệ mắc rối loạn hoang tưởng, theo Kaplan và Sadock thì tỷ lệ mắc của rối loạn hoang tưởng ở Hoa kỳ là 0,025-0,03%. Một số nghiên cứu khác chỉ ra tỷ lệ mắc các rối loạn hoang tưởng nói chung là 0,03% dân số và chiếm khoảng 1-2% tổng số bệnh nhân điều trị nội trú trong các bệnh viện tâm thần, khởi phát bệnh thường ở lứa tuổi trung niên và người cao tuổi, tỷ lệ mắc bệnh trong cuộc đời là 0,05-0,1%.
rlht
Ảnh minh hoạ
II. Nguyên nhân
Chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra rối loạn này, nhưng các yếu tố di truyền, đặc điểm nhân cách, hoàn cảnh sống… có liên quan trong cơ chế bệnh sinh của bệnh. Ví dụ như những người bị cách ly xã hội, có khiếm khuyết giác quan, điều kiện kinh tế kém,.. thường dẫn đến hoang tưởng.
III. Biểu hiện lâm sàng
Hoang tưởng là triệu chứng chính và nổi bật trong bệnh cảnh, các chủ đề của hoang tưởng không mang tính chất kỳ quái như trong tâm thần phân liệt. Bệnh nhân vẫn thích ứng được với cuộc sống, hoang tưởng có thể chi phối thái độ, cảm xúc và hành vi của bệnh nhân.
Có nhiều loại hoang tưởng mà bất kỳ người nào cũng có thể có. Tuy nhiên, về nghiên cứu, có một số chủ đề phổ biến của hoang tưởng
  • Hoang tưởng được yêu (Erotomantic): tin rằng ai đó đang yêu họ. Ví dụ, một người có hoang tưởng này sẽ tin rằng ai đó yêu thầm họ, thường gặp ở nữ hơn nam. Ở nam, họ có thể có những hành vi bạo lực, tấn công, xâm hại tình dục
  • Hoang tưởng ghen tuông (Jealous): tin rằng người tình của họ không trung thành với họ, mặc dù không có bằng chứng về sự không chung thủy của người kia, thường gặp ở nam. Họ luôn cho rằng vợ/ người tình của mình không chung thủy, qua đó họ có những hành vi như kiểm tra điện thoại, tin nhắn hoặc theo dõi.
  • Hoang tưởng bức hại (Persecutory): tin rằng ai đó đang cố gắng làm hại họ hoặc họ đang bị theo dõi hoặc âm mưu chống lại. Điều này có thể dẫn đến việc họ thường xuyên khiếu nại với chính quyền.
  • Hoang tưởng cơ thể (Somatic): tin rằng các chức năng hoặc bộ phận bên trong cơ thể hoặc bên ngoài của họ là bất thường hoặc trông bất thường.
Hoang tưởng tự cao (Grandiose): tin rằng họ có sức mạnh đặc biệt và có ý thức rất cao về giá trị bản thân, sức mạnh hoặc kiến thức của mình.
rlht1
Ảnh minh hoạ
IV. Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định: theo tiêu chuẩn chẩn đoán theo ICD 10
- Có một hoang tưởng hoặc một nhóm các hoang tưởng có liên quan với nhau với các nội dung như: hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng được yêu, hoang tưởng tự cao, hoang tưởng nghi bệnh, hoang tưởng ghen tuông, …
- Thời gian tồn tại ít nhất 3 tháng
- Không thỏa mãn đầy đủ tiêu chuẩn của tâm thần phân liệt
- Không có bất kỳ một loại ảo giác dai dẳng nào (nhưng đôi khi có thể có ảo thanh nhất thời, nhưng không phải là tiếng nói của người thứ ba hoặc những lời bàn luận liên tục).
- Các triệu chứng rối loạn cảm xúc có thể xuất hiện ngắt quãng, tuy nhiên các hoang tưởng tồn tại ở thời điểm không có rối loạn cảm xúc.
- Không có bằng chứng của rối loạn tâm thần thực tổn hay rối loạn loạn thần liên quan sử dụng chất tác động tâm thần.
Các thể lâm sàng
- Rối loạn hoang tưởng (F22.0)
- Các rối loạn hoang tưởng dai dẳng khác (F22.8)
- Rối loạn hoang tưởng dai dẳng không biệt định (F22.9)
Chẩn đoán phân biệt
- Rối loạn ám ảnh cưỡng bức
- Rối loạn tâm thần thực tổn có hoang tưởng nổi trội
- Rối loạn tâm thần do sử dụng chất
- Tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt cảm xúc, rối loạn dạng phân liệt, rối loạn nhân cách loại phân liệt
- Rối loạn cảm xúc có triệu chứng loạn thần
V. Điều trị
Nguyên tắc điều trị
  • Thiết lập mối quan hệ tin tưởng giữa bệnh nhân và bác sĩ, thấu hiếu và quan tâm đến các trãi nghiệm của bệnh nhân
  • Tránh đương đầu trực tiếp với hoang tưởng của bệnh nhân
  • Điều trị ngoại trú là chính, chỉ điều trị nội trú khi bệnh nhân có hành vi nguy hiểm, suy giảm chức năng nghề nghiệp, xã hội
  • Phát hiện và điều trị các rối loan tâm thần phối hợp (nếu có)
  • Theo dõi chặt chẽ quá trình sử dụng thuốc để phát hiện và xử trí kịp thời các tác dụng phụ của thuốc an thần kinh.
  • Phát hiện và giải quyết kịp thời các yếu tố thúc đẩy bệnh tái phát.
  • Sử dụng các liệu pháp tâm lý phối hợp trong quá trình điều trị.
Tâm lý liệu pháp
Tuy rối loạn hoang tưởng là một rối loạn loạn thần nhưng khi tiếp xúc với bệnh nhân, bác sĩ không nên nhắc đến việc dùng thuốc, phản đối hoặc chấp nhận hoang tưởng của bệnh nhân, hứa hẹn về quá trình điều trị,.. Bác sĩ cần quan tâm đến bệnh nhân, giúp đỡ bệnh nhân quản lý các triệu chứng như cảm xúc, lo âu, mất ngủ, tức giận,… Các liệu pháp cá nhân thường có hiệu quả hơn liệu pháp nhóm, các liệu pháp hỗ trợ nâng đỡ, nhận thức hành vi có thể có hiệu quả trong nhiều trường hợp
Hóa liệu pháp
Vì đây là rối loạn loạn thần nên các thuốc chống loạn thần sẽ được sử dụng với mục đích xua tan đi hoang tưởng của bệnh nhân. Các thuốc chống loạn thần thế hệ mới như risperidon, olanzapine thường được sử dụng hơn thuốc chống loạn thần cổ điển vì có tác dụng chống hoang tưởng tương tự thế cũ nhưng lại ít tác dụng phụ hơn.
Thuốc chống loạn thần thế hệ cũ
Chlorpromazin: viên 25mg, ống 25mg, liều 50-250mg/24 giờ
Levomepromazin: viên 25mg, liều 25-250mg/24 giờ
Haloperidol: viên 1,5mg, viên 5 mg, ống 5mg, liều 5-30mg/24 giờ
Thuốc chống loạn thần thế hệ mới
Clozapin: viên 25mg, 100mg, liều 50-800mg/24 giờ
Risperidon: viên 1mg, 2mg, liều 1-12mg/24 giờ
Olanzapin: viên 5mg, 10mg, liều 5-30mg/24 giờ
Quetiapin: viên 50mg, 200mg, 300mg, liều 600-800 mg/ ngày
VI. Tiên lượng và tiến triển của bệnh
Nhìn chung tiên lượng bệnh tốt hơn tâm thần phân liệt, bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục với cuộc sống thường nhật . Có một tỷ lệ sẽ tiếp tục phát triển thành bệnh tâm thần phân liệt
Tiếp tục theo dõi bệnh nhân sau khi ra viện, duy trì điều trị và theo dõi bệnh theo chuyên khoa, tại cộng đồng.

Tác giả bài viết: BS. Phan Đăng Khoa

Nguồn tin: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp, Bộ Y tế. Giáo trình Tâm thần học sau đại học, Trường Đại Y dược Huế Nguyễn Việt (1984), “ Các rối loạn tư duy “, Tâm thần học, Nhà Xuất bản Hà Nội

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich lam viec moi
Thăm dò ý kiến

Bệnh viện tâm thần Bến Tre phục vụ bệnh nhân như thế nào?

Thống kê
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay1,573
  • Tháng hiện tại17,944
  • Tổng lượt truy cập2,006,408
Bệnh viện tâm thần Bến Tre
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây