Khủng hoảng cá nhân - Can thiệp điều dưỡng

Chủ nhật - 20/01/2019 22:07
Giới thiệu
   Khủng hoảng trong cuộc sống thường xuất hiện một cách bất ngờ. Sự khởi phát bất ngờ của bệnh tật, mất việc, kinh doanh thua lỗ, đỗ vỡ hôn nhân, hay cái chết trong gia đình… có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Những sự kiện này có thể khiến cuộc sống yên bình trở thành trạng thái hỗn loạn và không có hướng  giải quyết một cách tích cực. Khi hai người có cùng tình thế áp lực như nhau, họ phân tích tình huống khác nhau: một người có thể có khả năng thích nghi và xử lý tốt, trong khi người kia có thể cảm thấy bất an và bị “ đè bẹp” bởi tình huống này. Đó chính là quy trình đánh giá cá nhân, mấu chốt của khả năng đương đầu với khủng hoảng. Một người khi không có khả năng đối phó với khủng hoảng, thậm chí trong thời gian ngắn thì một loại hình can thiệp chuyên môn nào đó có thể là rất cần thiết. Trong khuôn khổ bài viết nhấn mạnh về cách giải quyết những mất mát thường dẫn đến khủng hoảng trong cuộc sống, cũng như nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người điều dưỡng trong việc giúp đỡ các bệnh nhân và khách hàng giải quyết những khủng hoảng này một cách hiệu quả. Thái độ giúp đỡ và một số kỹ năng cần thiết hỗ trợ người khác giải quyết khủng hoảng và mất mát về mặt lý thuyết dường như rất dễ nhưng trong môi trường của một cơ sở y tế hay một bệnh viện chuyên khoa tâm thần luôn đầy ấp bệnh nhân thì khó thực hành và duy trì hơn rất nhiều. Điều này đòi hỏi tính chuyên nghiệp và chất lượng cao trong mối quan hệ giữa điều dưỡng – bệnh nhân.

 
khcn
Ảnh: nguồn internet
Các nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng
   Hầu hết mọi người khi rơi vào trạng thái khủng hoảng đều trải qua những tình huống trong cuộc sống khiến họ mất phương hướng, lo lắng tột cùng, dễ tổn thương, cuộc sống ngoài tầm kiểm soát và không thể lường trước được. Theo Aguilera (1998) khủng hoảng được phân thành 2 loại: Khủng hoảng “ theo tình huống” thường xảy ra trong các trường hợp: bị bỏ rơi, lạm dụng trẻ em, cưỡng hiếp, ly hôn, bệnh thể chất kinh niên hoặc bệnh tâm thần.... Khủng hoảng gọi là“ trưởng thành” liên quan đến các giai đoạn bình thường của sự phát triển và lão hóa trong cuộc đời. Khủng hoảng cũng cần phân biệt với một số tình huống áp lực đi qua nhanh chóng như: trải qua kỳ thi cử, sát hạch…
Theo Parry (1990) tổng kết các đặc điểm phổ biến của khủng hoảng như sau:
Có sự kiện áp lực kích thích hoặc áp lực lâu dài
Cá nhân trải qua nỗi đau buồn
Có sự cố mất mát, nguy hiểm hoặc bị làm nhục
Có cảm giác không thể kiểm soát được
Có sự kiện không mong đợi
Sự phá vỡ những thói quen
Không ổn định về tương lai
Đau buồn liên tục ( 2 đến 6 tuần)

 
khcn 1
Ảnh: nguồn internet
Các hậu quả của khủng hoảng cá nhân
   Khủng hoảng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người liên quan. Nó có thể gây nên nổi đau và sự thống khổ khôn cùng, có thể dẫn đến cảm giác hão huyền , không ổn định và cô lập. Người bị khủng hoảng thường trong trạng thái sốc. Đó là thời điểm suy nghĩ của họ bị mụ mẫm và các cảm xúc đặt trưng bởi cảm giác mất mát, bất lực và vô vọng. Khủng hoảng trong cuộc sống sẽ khiến con người không thể thực hiện tốt các hoạt động và thói quen hàng ngày. Nó gây nên sự đứt quảng lớn trong cuộc sống và thường là cả cuộc sống của những người xung quanh. Điều này đồng nghĩa với những người liên quan tới khủng hoảng phải có sự điều chỉnh về hành vi, xã hội và cảm xúc trong cuộc sống của họ. Khủng hoảng có thể thay đổi cuộc sống con người vĩnh viễn. Nó có thể kết thúc một sự nghiệp học tập đầy hứa hẹn, kết thúc một mối quan hệ thân thiết, không thể lập gia đình và có con hoặc có thể làm tăng khả năng mắc bệnh cá nhân… Khủng hoảng mang đến nhiều điều không ổn định trong cuộc sống con người bởi vì họ không thể tiên đoán trước nó sẽ bộc lộ như thế nào. Những khủng hoảng , mất mác và đau buồn kéo dài có thể dẫn đến hành vi tự tử.

Qui tắc để đối phó và thích nghi với khủng hoảng
   Các thay đổi được nhìn nhận như thế nào? Sự mâu thuẩn và các yêu cầu được giải quyết ra sao? Là các hình thức của sự đối phó. Khả năng xử lý và chịu đựng những sự cố xảy ra trong cuộc sống bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố: cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, giá trị và hành động cũng như nhiều phản ứng khác. Có thể đòi hỏi rất nhiều sự nổ lực để xử lý và điều chỉnh khủng hoảng, mỗi người phản ứng với những hoàn cảnh cũng khác nhau. Kết quả của khủng hoảng sẽ phụ thuộc vào khả năng đối phó của mỗi người, quá trình đối phó sẽ bị ảnh hưởng bởi sự tương tác của các yếu tố: yếu tố bối cảnh, yếu tố thể chất và môi trường xã hội.
   Một số người có khả năng tìm thấy mục đích, giá trị cuộc sống mặc cho những biến cố xảy ra với họ trong giai đoạn khủng hoảng. Họ có thể chống cự lại với cảm giác “ bất lực và vô vọng” ( Caltabiano et al 2002). Các yếu tố quan trọng bao gồm: tuổi tác, niềm tin cá nhân, giới tính, sự trưởng thành, tầng lớp xã hội, mức độ tín ngưỡng tôn giáo mà người đó có được. Những yếu tố này sẽ định hình cách các cá nhân phản ứng với khủng hoảng.
Nhìn chung khi đương đầu với khủng hoảng con người có 2 trạng thái: “ tiếp cận” hoặc “ lãng tránh” các sự kiện, biến cố. Một số tài liệu nghiên cứu cho thấy rằng một người phụ thuộc nhiều vào xu hướng “ tiếp cận” xử lý để thích nghi tốt hơn với áp lực trong cuộc sống và trải nghiệm sẽ ít có biểu hiện triệu chứng tâm lý hơn. Tiếp cận xử lý, giải quyết vấn đề và tìm kiếm thông tin, có thể điều tiết những ảnh hưởng có khả năng làm thay đổi tiêu cực trong cuộc sống và các áp lực lâu dài trong hoạt động tâm lý (Holahan et al 1996, p29). Trái lại người phụ thuộc nhiều vào cách “ lãng tránh” như phủ nhận và rút lui sẽ có xu hướng chịu áp lực cao hơn sau giai đoạn khủng hoảng thường gặp các vấn đề lâm sàng như suy nhược, bệnh về thể chất, sử dụng chất có cồn, hút thuốc lá… Holahan et al 1996 cũng cho thấy rằng những người đã từng lâm vào tình trạng khủng hoảng  thường trở nên mạnh mẽ hơn và có nhiều kinh nghiệm giải quyết vấn đề hơn. Khả năng đương đầu với các khủng hoảng trong tương lai cũng được nâng cao. Họ có thể tự tin và quyết đoán hơn, phát triển bản thân và năng lực, đạt được mục đích mới trong cuộc sống và trở nên kiên cường hơn mặc dù trong thực tế họ vẫn phải đối mặt với khủng hoảng trong cuộc sống.

Can Thiệp điều dưỡng: Thái độ và kỹ năng
Phát triển nâng cao kiến thức về văn hóa xã hội: Theo Lorion &Parron (1985) Mô tả một số nghiên cứu chỉ ra rằng nếu người giúp đỡ, điều dưỡng viên hoặc tư vấn viên đặt ít hy vọng và khả năng thành công của bệnh nhân thì kết quả cũng sẽ thấp. Do đó, điều quan trọng là các tư vấn viên hoặc điều dưỡng viên nên đặt niềm tin vào vào bệnh nhân của mình thành công và tiến bộ. Ngoài ra để việc tư vấn có hiệu quả các giới hạn tư vấn cần được thiết lập rõ ràng, người ta có thể mong đợi một tình  bạn chứ không chỉ là mối quan hệ giữa người giúp đỡ với bệnh nhân. Khi tư vấn cho bệnh nhân, các dấu hiệu giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ có thể là nguyên nhân gây hiểu nhầm. Do đó điều dưỡng viên nên dành thời gian để kiểm tra xem bệnh nhân có hiểu những gì điều dưỡng viên nói hay không. Nhu cầu kiểm tra sự hiểu biết là cực kỳ quan trọng đối với bệnh nhân có nền văn hóa, phong tục, tập quán khác nhau. Đó cũng là quy trình cốt lõi trong trong bất kỳ tình huống giúp đỡ nào. Một lưu ý khá quan trọng là điều dưỡng viên có thể giúp bệnh nhân và thành viên trong gia đình nói chuyện với nhau. Một mối quan hệ chuyên nghiệp giữa người giúp đỡ và bệnh nhân, không gian cho phép để người bệnh nói các vấn đề mà không thể thổ lộ với người thân hoặc bạn bè.

Giúp đỡ bệnh nhân đương đầu với mất mát: Dù bản chất là gì thì giai đoạn khủng hoảng thường dẫn đến cảm giác mất mát to lớn đối với những người có ảnh hưởng. Một mối quan hệ giúp đỡ tốt sẽ giúp bệnh nhân hiểu sự mất mát và chấp nhận nó hiệu quả hơn. Mục đích là cố gắng làm dịu đi nỗi đau sau mất mát to lớn. Đau buồn là quy trình rất tự nhiên và trải nghiệm nỗi đau buồn đó là một phần của con người.
   Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng và con người cũng có nhiều cách xử lý khác nhau. Một số người có thể không nói chuyện với bất kỳ ai về mất mát của mình trong một thời gian, một số có thể trải qua cảm xúc mạnh mẽ, suy nhược, giận dữ, oán giận và tự đánh giá thấp bản thân có thể suy nghĩ đến tự tử. Số khác có thể không thể hiện nổi đau và sự đau buồn do mất mát một cách công khai mà kìm nén cảm xúc này theo thời gian để tránh bị coi là “ bị thương”, “ bị bỏ rơi” hoặc “ thất bại” trong các mối quan hệ. Bên cạnh đó kèm theo một số ảnh hưởng về thể chất như: mất ngủ, kém ăn, sụt cân, suy nhược…Khi chăm sóc người đang trải qua khủng hoảng điều dưỡng viên nên thu thập các dữ liệu thực tế về tình huống cụ thể của bệnh nhân, bối   cảnh xã hội của họ để  đưa ra cách xử lý cũng như các khía cạnh tương tác tế nhị, hợp lý ( Cook& Dworkin).
   Thể hiện nỗi đau và sự tức giận sau khi mất mát là rất quan trọng. Chấp nhận sự mất mát là một nhiệm vụ chính khi đang có nỗi đau ( Worder 2001) và sự chấp nhận này sau đó làm cho bệnh nhân có khả năng làm việc trên nỗi đau và đưa ra các điều chỉnh phù hợp (Pay et al 1999). Thêm vào đó ảnh hưởng của tôn giáo, tâm linh và hệ thống hỗ trợ có sẵn sẽ là yếu tố quan trọng quyết định cách xử lý của cá nhân.

Luôn ở bên cạnh bệnh nhân: Dành thời gian cho bệnh nhân để họ kể chuyện của mình là rất quan trọng. Lúc này cảm xúc mạnh có thể khơi dậy và đây là thời gian thử thách nhất đối với điều dưỡng-không biết phải nói hay làm gì. Luôn ở bên cạnh bệnh nhân và chăm chú lắng nghe có giá trị rất lớn. Quan trọng là đừng cố giải thoát họ khỏi nỗi đau hoặc cảnh hiểm nghèo như họ mô tả. Cố trở thành “người bạn đồng hành” và luôn song hành cùng họ (Geldard 1998).

Cho phép bệnh nhân thể hiện nổi đau: Cần phải cho bệnh nhân thời gian và không gian để giải tỏa cảm xúc mỗi khi cảm xúc phát sinh. Đôi khi chỉ im lặng sẽ là tín hiệu để bệnh nhân lấy lại mạch cảm xúc và phát triển theo thời gian và theo cách riêng của họ. Cũng cần phản ánh cảm xúc của họ, thể hiện sự thông cảm ở một vài điểm trong suốt giai đoạn, thấu hiểu những cảm xúc mà bệnh nhân đã trải qua.

Nhận thức được sự khó khăn: Điều dưỡng cần phải nhận thức được những khó khăn trong việc hiểu quan điểm của người khác về khủng hoảng trong cuộc sống, cần phải có kiến thức nhất định về văn hóa, xã hội, pháp luật…để đánh giá bệnh nhân một cách toàn diện đồng thời thiết lập mối quan hệ tốt với người bệnh. Horvath (1995,p12) nghiên cứu vê mối quan hệ giữa chất lượng của sự liên kết người trị liệu  với bệnh nhân và kết quả của liệu pháp. Ông đã chỉ ra rằng chất lượng của sự liên kết là một “ thiết bị dự báo thiết thực về kết quả liệu pháp”. Tuy nhiên việc điều dưỡng viên có mối quan hệ gắn bó với bệnh nhân lâu dài có thể cảm thấy quá sức và không còn cảm xúc bởi nỗi tuyệt vọng của bệnh nhân và gia đình trong cơn khủng hoảng. Kết quả là, điều dưỡng sẽ không thể giúp bệnh nhân hiệu quả và sức khỏe của điều dưỡng cũng bị ảnh hưởng. Để đảm bảo không bị vấn đề này, điều dưỡng viên cần làm việc với đồng nghiệp, người có thể đưa ra một số giải pháp, tham vấn tạo nên giới hạn phù hợp giữa điều dưỡng viên và bệnh nhân. Điều này cũng giúp điều dưỡng viên hiểu rõ hơn quá trình giúp đỡ và đảm bảo rằng các vấn đề bệnh nhân được giải quyết.

Khám phá các cơ hội đào tạo nâng cao kiến thức: Giải quyết khủng hoảng đòi hỏi kỹ năng giỏi và các can thiệp điều dưỡng có thể được nâng cao qua đào tạo, việc tạo nền tảng lý thuyết  giúp người bệnh phát triển kỹ năng khác. Và sử dụng các phương pháp lý thuyết hợp lý tạo ra một khuôn khổ các quy tắc nhằm tạo sự thoải mái cho bệnh nhân và nhận diện các cảm xúc liên quan tới khủng hoảng, cũng có thể giúp bệnh nhân làm rõ các sự kiện  và lựa chọn các phương pháp tốt hơn đồng thời sử dụng các nguồn hỗ trợ có sẵn giúp họ phòng ngừa bệnh tật. Tóm lại, có kiến thức lý thuyết cơ bản sẽ giúp bệnh nhân làm chủ cuộc sống của chính họ và cố gắng sống theo cách mà họ yêu thích. Các can thiệp điều dưỡng được xây dựng trên lý thuyết tư vấn và liệu pháp phù hợp có thể là sự giúp đỡ lớn đối với bệnh nhân khi họ cố gắng thích ứng hiệu quả với các khủng hoảng trong cuộc sống.

Kết luận
   Giải quyết khủng hoảng là một phần bình thường trong cuộc sống của tất cả mọi người. Tuy nhiên các điều dưỡng viên sẽ bị đặt mình vào tình huống bị khủng hoảng và chịu các hậu quả từ chúng một cách thường xuyên. Công việc của bác sĩ và điều dưỡng tâm thần phải đặt mình vào nỗi đau và sự chịu đựng xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của người khác. Nó xảy ra thường xuyên và đôi khi rất mãnh liệt. Mức độ tiếp xúc này đôi khi sẽ gây ra những phản ứng và rối loạn cảm xúc ở người điều dưỡng. Mặc khác các điều dưỡng viên cũng phải học cách đương đầu với các sự kiện áp lực trong cuộc sống của bản thân, điều này có thể gây trở ngại cho khả năng giúp đỡ người khác  của điều dưỡng. Vì vậy phải đảm bảo rằng chúng đã được giải quyết để hạn chế ảnh hưởng các vấn đề có liên quan đến công việc.
   Việc học cách đương đầu với khủng hoảng và phản ứng tích cực qua nhận thức nâng cao, phát triển các kỹ năng tư vấn, các kiến thức về văn hóa, xã hội sẽ không chỉ giúp điều dưỡng hoạt động hiệu quả hơn trong công việc mà còn giúp người điều dưỡng luôn khỏe mạnh.

Tác giả bài viết: CN. Nguyễn Thị Hồng Phượng

Nguồn tin: : Điều dưỡng bệnh tâm thần và sức khỏe tâm thần – Ruth Elder; Katie Evans; Debra Nizette. Xuất bản lần 2

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich lam viec moi
Thăm dò ý kiến

Bệnh viện tâm thần Bến Tre phục vụ bệnh nhân như thế nào?

Thống kê
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,573
  • Tháng hiện tại18,104
  • Tổng lượt truy cập2,006,568
Bệnh viện tâm thần Bến Tre
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây